Theo khảo sát của chương trình đánh giá về năng lượng cho châu Á của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam có tiềm năng điện gió lớn nhất khu vực Đông Nam Á, ước đạt khoảng 500 GW. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư).
Theo kết quả khảo sát của chương trình đánh giá về năng lượng cho châu Á của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam có tiềm năng điện gió lớn nhất khu vực Đông Nam Á, ước đạt khoảng 500 GW. Phát triển năng lượng tái tạo là chủ trương lớn của Chính phủ, trong đó điện gió được xác định là giải pháp đột phá trong chuyển dịch năng lượng, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Công ty năng lượng lớn nhất Na Uy đã chính thức mở văn phòng đại diện tại Hà Nội vào năm ngoái, khởi đầu cho kế hoạch đầu tư hàng tỷ USD vào điện gió ngoài khơi ở ít nhất 4 địa phương của Việt Nam. Họ đánh giá cao khả năng đóng góp về kỹ thuật và công nghệ của Việt Nam nhờ kinh nghiệm lắp đặt và vận hành các công trình dầu khí.
"Chúng tôi sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm từ những dự án tại Anh, Hà Lan, Pháp, hay Hàn Quốc với Việt Nam Bên cạnh đó, chúng tôi rất chú trọng tới bộ tiêu chí ESG, tức là đảm bảo kinh doanh hài hòa với môi trường, xã hội và quản trị. Chúng tôi muốn lắp đặt các tuabin cách xa bờ biển, ví dụ khoảng 50 km để việc khai thác điện gió ngoài khơi không ảnh hưởng đến các tiềm năng du lịch và đánh bắt thủy sản", bà Anita H. Holgersen, Trưởng Đại diện của Equinor tại Việt Nam, cho biết.
Còn Mainstream Renewable Power không chỉ khai thác năng lượng tái tạo, mà còn muốn chuyển chuỗi cung ứng tới Việt Nam. Họ đã đầu tư hơn 15 triệu USD, với tổng công suất 2,3 GW từ các nguồn điện mặt trời và điện gió ngoài khơi. Để hoàn thiện việc xây dựng các dự án và đi vào vận hành chính thức, họ dự kiến đầu tư khoảng 4 tỷ USD.
"Việt Nam có tiềm năng lớn về điện gió ngoài khơi nhờ tốc độ gió lớn nhưng lại chưa có chuỗi cung ứng cho ngành này, do đó các công ty nước ngoài khi đến đây kinh doanh phải dựa vào các nhà thầu và nhập khẩu trang thiết bị từ nơi khác. Ví dụ hiện nay chúng tôi đang mang máy móc từ Malaysia về Việt Nam. Tuy nhiên, chúng tôi có kế hoạch chuyển các chuyên gia đến Việt Nam để xây dựng nhà máy sản xuất các trang thiết bị khai thác năng lượng tái tạo ở đây vì chúng tôi rất ấn tượng với khả năng sản xuất cơ khí của Việt Nam", ông Bernard Casey, Giám đốc điều hành khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Mainstream Renewable Power, cho hay.
Các chuyên gia nhận định, để chuyển dịch sang năng lượng tái tạo, ngoài cải tiến công nghệ, Việt Nam còn cần cả những cải tiến về chính sách, động lực phát triển cho doanh nghiệp và tư duy của xã hội.
"Đây sẽ là một sự chuyển đổi công bằng và toàn diện. Sự chuyển dịch này không chỉ mang đến nền tảng vững chắc hơn về năng lượng cho xã hội Việt Nam, mà còn là một nền kinh tế mạnh mẽ hơn với nhiều việc làm hơn trong lĩnh vực năng lượng sạch", ông Daniel C. Esty, Cựu Ủy viên Bộ Năng lượng và Bảo vệ môi trường của Mỹ, đánh giá.
Báo cáo Lộ trình điện gió ngoài khơi cho Việt Nam của Ngân hàng Thế giới đã đưa ra một kịch bản cao 70GW vào năm 2050, đứng thứ 3 châu Á. Đối với một quốc gia có tiềm năng lớn để phát triển điện gió ngoài khơi, mục tiêu này không quá khó. Thách thức chính là việc tìm ra những giải pháp mang tính đột phá.